day

,

00

/

month

/

0000

Tiếng Việt

English

Tiên Du tập trung phát triển kinh tế hộ

Những năm qua, xã Tiên Du, huyện Phù Ninh luôn tập trung tìm giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ. Đặc biệt, xã đã chú trọng phát triển trồng trọt và chăn nuôi nhằm đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi ở địa phương, qua đó tạo động lực đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo, cải thiện đời sống cho người dân.

Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ông Lê Quốc Trị ở khu 6, xã Tiên Du đầu tư trồng hoa cúc cho thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng.

Xã Tiên Du có 10 khu dân cư, với gần 6.300 nhân khẩu, đời sống của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Theo thống kê, tổng diện tích gieo trồng 6 tháng đầu năm 2018 của xã đạt 245ha. Trong đó, bà con gieo trồng 112ha lúa, với các loại giống J02, Thiên Ưu 8, BC15, năng suất đạt 6,7 tấn/ha; 97ha ngô, năng suất đạt 4,6 tấn/ha và 36ha hoa màu các loại. Để giúp nhân dân nâng cao mức sống, chính quyền xã đã vận động người dân thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đưa giống cây trồng mới có năng suất, giá trị kinh tế cao vào sản xuất; phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất cho nông dân. Những năm gần đây, nông dân xã Tiên Du còn đẩy mạnh việc trồng các loại cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao như: Bưởi Diễn, hồng Gia Thanh, thanh long... là những loại cây phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, hàng năm mang lại thu nhập đáng kể cho nhiều hộ dân.

Nông dân trong xã còn tập trung phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm với gần 700 con trâu, bò, hơn 8.000 con lợn và trên 35.000 con gia cầm các loại. Để duy trì và phát triển bền vững đàn gia súc, hàng năm, xã vận động nhân dân đầu tư phát triển chăn nuôi gắn với trồng cỏ, tạo nguồn thức ăn tại chỗ cho đàn trâu, bò. Cán bộ thú y xã thường xuyên hướng dẫn các hộ chăn nuôi kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng và phòng dịch cho đàn vật nuôi; tuyên truyền, vận động bà con làm chuồng nuôi xa nhà để không ảnh hưởng đến môi trường, hàng năm nguồn thu từ chăn nuôi đã góp phần nâng cao thu nhập cho các gia đình.

Thực tế cho thấy, nhiều hộ vươn lên khá, giàu do áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, cải tạo đất vườn, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Gia đình ông Nguyễn Kim Ngọc ở khu 2 là một trong những hộ đầu tiên trồng cây sưa đỏ ở địa phương. Với gần 600 gốc sưa, sau hơn chục năm, đến những năm 2006- 2007 gia đình ông đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng. Nhiều người trong xã truyền tai nhau về lợi ích kinh tế của cây sưa nên đã có không ít gia đình cải tạo đất vườn, đất đồi, thậm chí tận dụng cả đất ven đường, hàng rào để trồng sưa đỏ. Với hơn 20 năm gắn bó với nghề trồng cây sưa đỏ, ông Ngọc cho biết: “Giá cả thị trường có thể lên xuống, giá gỗ sưa cũng không còn được như trước, song cây sưa đỏ vẫn là giống gỗ quý bán theo cân thì khó có loại cây nào theo kịp. Nếu chỉ trồng như một loại cây lâm nghiệp trong vườn nhà để lấy gỗ thì hiệu quả kinh tế vẫn cao hơn trồng cây keo, bạch đàn”. Hiện nay dưới những tán gỗ sưa đỏ, gia đình ông Ngọc và nhiều hộ dân ở xã đang bắt đầu thực hiện mô hình trồng xen canh cây ăn quả cùng với chăn nuôi để tăng hiệu quả kinh tế trong thời gian chờ khai thác gỗ sưa.

Việc cải tạo nâng cấp làng nghề trồng hoa làng Thượng cũng góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương. Hiện nay, diện tích đất trồng hoa toàn xã đạt hơn 2,5ha với 40 hộ tham gia làng nghề, chủ yếu trồng hoa hồng, hoa ly, hoa cúc, lay ơn… Thu nhập bình quân của các hộ trồng hoa làng nghề từ 20 - 25 triệu đồng/sào. Ngoài ra, địa phương luôn chú trọng đến việc phát triển dịch vụ - thương mại, vì vậy thu nhập từ ngành này có tốc độ tăng tưởng khá nhanh.Toàn xã có 148 hộ kinh doanh và làm dịch vụ, tập trung vào các ngành nghề may mặc, ăn uống, dịch vụ buôn bán, bán lẻ các loại vật tư nông nghiệp… đem lại thu nhập cao cho người dân địa phương.

Đồng chí Phạm Ngọc Tuấn - Chủ tịch UBND xã Tiên Du cho biết: Từ khi thực hiện chủ trương vận động nông dân phát triển kinh tế hộ, tỷ lệ hộ nghèo của địa phương đã giảm đáng kể. Thời gian tới, xã tiếp tục tạo điều kiện cho các hộ phát triển kinh tế thông qua các hội, đoàn thể liên kết với các ngân hàng hỗ trợ nguồn vốn vay để nông hộ phát triển sản xuất, kinh doanh; tập trung phát triển những cây trồng, vật nuôi phù hợp với lợi thế ở địa phương theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.